Lưu ký chứng khoán là gì? Cách lưu ký chứng khoán

Chứng khoán đã lưu ký và chứng khoán chưa lưu ký là một trong những khái niệm rất cơ bản trên thị trường mà bạn cần nắm rõ trước khi tham gia đầu tư. Việc nắm được kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách mà thị trường chứng khoán vận hành từ trước tới nay và ở bài viết này, Chứng khoán Trí Đức sẽ cùng bạn tìm hiểu Lưu ký chứng khoán là gì, cách lưu ký chứng khoán, phí lưu ký chứng khoán và nhiều thứ khác nữa.

Lưu ký chứng khoán là gì?

Lưu ký chứng khoán là hoạt động nhận ký gửi, bảo quản an toàn, chuyển giao và ghi nhận sở hữu chứng khoán của khách hàng trên hệ thống tài khoản lưu ký chứng khoán do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) quản lý nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích liên quan đến chứng khoán của người sở hữu.

Trong đó lưu là lưu giữ, ký là ký gửi, khi bạn ký gửi số chứng khoán đang sở hữu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, VSD sẽ tiến hành lưu giữ (cất hộ) số chứng khoán đó, đảm bảo chúng được an toàn và giúp bạn theo dõi và thực hiện những quyền và lợi ích liên quan. Tất nhiên cùng với đó, bạn sẽ phải trả một khoản phí gọi là phí lưu ký chứng khoán.

Chứng khoán của một công ty đại chúng muốn giao dịch công khai trên các sàn giao dịch như HNX, HSX thì buộc phải được đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD. Một khi Công ty đăng ký giao dịch trên sàn với Sở giao dịch chứng khoán, các cổ đông của công ty đó buộc phải tiến hành lưu ký chứng khoán với VSD mới có thể chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ.

Lưu ký chứng khoán là gì?
Lưu ký chứng khoán là gì?

Quá trình lưu ký chứng khoán là gì?

Trước khi một Công ty đại chúng đăng ký niêm yết trên các sàn giao dịch, việc bắt buộc phải làm là chuyển toàn bộ danh sách các cổ đông hiện có và ủy quyền quản lý cổ đông cho VSD. Khi đó, do đã thuộc quyền quản lý của VSD, các cổ đông muốn bán chứng khoán của Công ty đại chúng phải thông qua VSD, nên để có thể chuyển nhượng, họ phải tiến hành lưu ký chứng khoán với Trung tâm lưu ký chứng khoán – VSD. Quá trình một cổ đông thực hiện lưu ký chứng khoán diễn ra như sau:

Nhận sổ cổ đông, đầu tiên nhà đầu tư liên hệ với Công ty vừa niêm yết để nhận lại sổ cổ đông (khi mới lên sàn, các Công ty có thể sẽ tập hợp các cổ đông để đăng ký lưu ký một thể hoặc nhà đầu tư phải tự cầm sổ cổ đông đi lưu ký chứng khoán).

Mở tài khoản chứng khoán, vì các công ty chứng khoán có nhiệm vụ thay mặt VSD thực hiện các dịch vụ với khách hàng nên nhà đầu tư là các cổ đông của công ty phải thực hiện lưu ký qua công ty chứng khoán. Và trước hết ta phải mở tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán bất kỳ (mang theo CMND/CCCD để mở tài khoản), tài khoản này sẽ được dùng trong các giao dịch chứng khoán sau khi lưu ký.

Lưu ký chứng khoán, sau khi mở tài khoản, nhà đầu tư đề nghị nhân viên tư vấn hỗ trợ việc Lưu ký số chứng khoán đang sở hữu bằng cách đưa sổ cổ đông để họ xác nhận và đăng ký lưu ký chứng khoán (sổ cổ đông sẽ được công ty chứng khoán giữ lại để chuyển về VSD).

Tái lưu ký chứng khoán, tới bước này, nhiệm vụ của nhà đầu tư đã hết. Sau khi lập hồ sơ hợp đồng, Công ty chứng khoán sẽ gửi đề nghị lên VSD để chuyển số chứng khoán của khách hàng cho VSD lưu ký và gửi chứng khoán đó lên sàn giao dịch. Sau khi được VSD phê duyệt thành công, quá trình tái lưu ký được hoàn tất, sổ cổ đông sẽ được trả lại cho Công ty mà nhà đầu tư đang nắm giữ chứng khoán để thông báo số chứng khoán đã được lưu ký.

Xác nhận lưu ký chứng khoán thành công, sau khi được phê duyệt, Công ty chứng khoán sẽ báo lại cho nhà đầu tư biết; kể từ thời điểm đó, các cổ đông đã kết thúc quá trình lưu ký chứng khoán và có thể bắt đầu giao dịch trên sàn.

Lưu ý: Việc lưu ký chứng khoán là không bắt buộc, nhà đầu tư có thể không lưu ký chứng khoán nhưng sổ chứng khoán chỉ được chuyển nhượng khi đã được lưu ký.

Lưu ký chứng khoán là gì - Sơ đồ quy trình lưu ký chứng khoán
Sơ đồ quy trình lưu ký chứng khoán

Chuyển nhượng của chứng khoán đã lưu ký

Sau khi biết lưu ký chứng khoán là gì? Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về chuyển nhượng chứng khoán đã lưu ký.

Chứng khoán đã lưu ký là chứng khoán đã được lưu ký và tồn tại dưới dạng điện tử tích hợp vào tài khoản ở Công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản trên cơ sở được sự bảo đảm của VSD.

Hiểu đơn giản thì đây chính là số chứng khoán đang mua bán hàng ngày trên sàn hiện tại, mọi quyền thực hiện lúc này trên thị trường như Quyền Họp đại hội cổ đông, Quyền cổ tức tiền mặt, … sẽ được thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trên cơ sở Đại lý là các Công ty Chứng khoán.

Về mặt tổ chức giao dịch thì Chứng khoán đã Lưu ký sẽ được tổ chức thực hiện giao dịch thông qua Sở giao dịch Chứng khoán (Đại lý là các Công ty Chứng khoán). Và tổng hợp lại thì: Chứng khoán chưa Lưu ký + Chứng khoán đã Lưu ký = Tổng số Chứng khoán đang Niêm yết.

Lưu ký chứng khoán là gì - Chứng khoán đã lưu ký là chứng khoán đã được lưu ký
Chứng khoán đã lưu ký là chứng khoán đã được lưu ký

Phí lưu ký chứng khoán 

Phí lưu ký chứng khoán là gì?

Như những gì đã nói ở trên, Chứng khoán đã lưu ký sẽ được VSD quản lý và cần có một khoản phí để duy trì hoạt động này gọi là phí lưu ký chứng khoán. Loại phí này sẽ được các Công ty chứng khoán thu hộ của nhà đầu tư và chuyển về cho VSD, tức bạn sẽ không phải tới trung tâm lưu ký để nộp phí. Còn với chứng khoán chưa lưu ký, thực tế vẫn do Công ty đại chúng quản lý trực tiếp nên không phát sinh loại phí này.

Lưu ý, các Công ty chứng khoán chỉ làm nhiệm vụ thu hộ và không được hưởng phần trăm phí nào, khoản phí sẽ được hoàn trả 100% về Trung tâm lưu ký mỗi cuối tháng.

Do chỉ tính phí trên lượng chứng khoán đã lưu ký nên nếu bạn là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, cổ đông nội bộ,… sở hữu rất nhiều chứng khoán và xác định gắn bó lâu dài với công ty thì bạn có thể chưa cần lưu ký chứng khoán để không tốn một khoản cho loại phí này. Còn nếu đã xác định bán cổ phiếu của công ty, bạn nên lưu ký chứng khoán sớm để có thể bán ngay khi cần, nếu không bạn có thể sẽ lỡ cơ hội bán vì quá trình lưu ký sẽ mất vài ngày.

Phí lưu ký chứng khoán sẽ được công ty chứng khoán liệt kê trong biểu phí dịch vụ của CTCK và phí lưu ký ở mọi công ty chứng khoán là như nhau. Hiện, theo THÔNG TƯ 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, giá dịch vụ lưu ký chứng khoán được quy định như sau:

  • Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm: 0,3 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm/tháng.
  • Trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ: 0,2 đồng/trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ/tháng, tối đa 2.000.000 đồng/tháng/mã trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ.
Lưu ký chứng khoán là gì - Cách tính phí lưu ký chứng khoán thực tế
Cách tính phí lưu ký chứng khoán thực tế

Chứng khoán chưa lưu ký

Bên cạnh lưu ký chứng khoán là gì? Chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm về chứng khoán chưa lưu ký.

Ngược lại với chứng khoán đã lưu ký, chứng khoán chưa lưu ký tức là chứng khoán chưa đăng ký lưu ký tại VSD. Chứng khoán chưa lưu ký bao gồm:

  • Chứng khoán của Công ty Cổ phần chưa phải Đại chúng
  • Chứng khoán của Công ty đã là Đại chúng nhưng chưa đăng ký lưu ký với Trung tâm lưu ký Chứng khoán.

Khi một Công ty đại chúng đăng ký lưu ký chứng khoán với VSD, Công ty đó sẽ được cấp một mã giao dịch trên thị trường ví dụ mã chứng khoán của VinGroup là VIC, các nhà đầu tư sẽ thực hiện mua bán chứng khoán của Công ty với mã này. Còn với chứng khoán chưa lưu ký, sẽ không có mã giao dịch trên sàn nên hình thức chuyển nhượng vẫn rất sơ khai.

Lưu ký chứng khoán là gì - chứng khoán chưa lưu ký tức là chứng khoán chưa đăng ký lưu ký tại VSD
chứng khoán chưa lưu ký tức là chứng khoán chưa đăng ký lưu ký tại VSD

Chuyển nhượng của chứng khoán chưa lưu ký

Khi các cổ đông của Công ty đại chúng tiến hành lưu ký chứng khoán, hàng hóa của thị trường được sản sinh, khi đó, các giao dịch mua bán trên sàn mới bắt đầu như những gì ta vẫn thấy trên bảng điện tử.

Phần còn lại, các Công ty Cổ phần chưa phải Đại chúng hoặc đã là Đại chúng nhưng chưa đăng ký lưu ký với Trung tâm lưu ký Chứng khoán VN thì vẫn giao dịch mua bán được, khi đó, nhà đầu tư vẫn chuyển nhượng chứng khoán bằng sổ cổ đông mà không có dữ liệu trên các sàn giao dịch. Và mọi quyền lợi như cổ tức tiền mặt, đại hội cổ đông sẽ được quyết định thực hiện qua Công ty cổ phần đó.

Theo quy định thì khi Công ty Cổ phần chưa phải là Công ty Đại chúng thì mọi hoạt động chuyển nhượng đều do Hội đồng Quản trị Công ty đó xác nhận và quản lý, đồng thời phải có báo cáo lại Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh/ thành phố.

Hình thức mua bán trong thời kỳ này khá đơn giản, 2 bên mua bán tìm hiểu và gặp nhau trực tiếp, sau đó tự thỏa thuận về giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán (Thường là tiền mặt và thanh toán luôn), sau đó 2 bên ký vào Hợp đồng Chuyển nhượng cổ phần sau đó cùng ra Công ty Cổ phần kia để Hội đồng Quản trị chứng nhận và chuyển nhượng sang tên số cổ phần vừa ký chuyển nhượng.

Ghi chú: Về khái niệm sổ cổ đông, sổ cổ đông là một loại chứng từ do Công ty cổ phần cấp nhằm chứng nhận phần vốn góp của cổ đông trong tổng vốn điều lệ thực góp của công ty. Theo thời gian, việc mua bán chuyển nhượng cũng khiến cho danh sách và số lượng cổ đông thay đổi.

Lưu ký chứng khoán là gì - Chuyển nhượng của chứng khoán chưa lưu ký
Chuyển nhượng của chứng khoán chưa lưu ký

Trên đây là những chia sẻ về khái niệm lưu ký chứng khoán là gì – chứng khoán chưa lưu ký là gì và một số vấn điều liên quan, mong phần nào cung cấp thông tin hữu ích tới bạn đọc. Chúc bạn sớm thành công trong sự nghiệp Trader của mình!

Xem thêm:

Trả lời