Hiệu ứng cánh bướm và luật nhân quả

Hiệu ứng cánh bướm dùng để diễn tả một sự kiện dù cho có nhỏ bé đến đâu thì cũng sẽ gây nên những hệ quả to lớn về sau.

Hiệu ứng cánh bướm là gì?

Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect) là một cụm từ dùng để mô tả khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc. Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều như một phép ẩn dụ trong văn hóa đương đại, đặc biệt là các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian.

Toàn bộ khái niệm Toán học của “Hiệu ứng cánh bướm” được gói gọn trong câu hỏi: “Liệu một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas?”

Tất nhiên không có ý nói con bướm có khả năng tạo ra cơn lốc xoáy. Thuyết này cho rằng, việc đập cánh của con bướm là khởi đầu của chuỗi điều kiện như nhiệt độ, tốc độ gió… hợp lại tạo ra cơn lốc xoáy.

Hiệu ứng cánh bướm 1

Nhiều người tin rằng, mọi thứ xảy ra đều có lý do và không có gì ngẫu nhiên cả. Rằng có những điều nhỏ nhoi không đáng lưu tâm, hay chuỗi các sự kiện dường như không quan trọng, cũng tác động đến tương lai chúng ta, có thể thay đổi lớn lao đến lịch sử và tạo nên vận mệnh mới.

Nguồn gốc của hiệu ứng cánh bướm

Vào năm 1961, trong khi mô phỏng một dự đoán về thời tiết trên máy tính, nhà toán học và khí tượng học Edward Lorenz đã lỡ nhập số liệu là 0,506 thay vì 0,506127 như dự định. Việc này dẫn đến kết quả dự đoán thời tiết thu được hoàn toàn khác so với tính toán ban đầu.

Ông rất bất ngờ khi máy tính đưa ra kết quả một dự báo khác xa so với những dữ liệu gốc mặc dù giá trị làm tròn không đáng kể. Từ sai lầm này, Lorenz đã nhấn mạnh về sự ràng buộc chặt chẽ của hệ vật lý đối với các điều kiện ban đầu trong bài diễn thuyết của mình.

Hiệu ứng cánh bướm 2

Theo ông, một cái đập cánh của con bướm cũng có thể tạo ra sự thay đổi trong điều kiện gốc của hệ vật lý, kéo theo những thay đổi rõ rệt về thời tiết, thậm chí là tạo ra cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn km. Hiệu ứng cánh bướm được Edward Norton Lorenz công bố năm 1969 với một câu nói vô cùng nổi tiếng “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.”

Hiệu ứng cánh bướm trong thực tế

Một số ví dụ nổi bật của hiệu ứng cánh bướm có thể kể đến như:

Tài xế đi nhầm đường dẫn đến Thế chiến Thứ nhất

Ngày 28/6/1914, kế hoạch ám sát thái tử nước Áo – Archduke Franz Ferdinand của nhóm khủng bố Black hand đã không thành công. Một quả lựu đạn ném vào xe của Thái tử trong chuyến thăm đã bị trượt, rơi ra phát nổ khiến hai tùy tùng bị thương.

Lẽ ra, Thái tử nên quay về khách sạn nhưng ông nhất định đến thăm người tùy tùng cấp cứu trong bệnh viện. Tuy nhiên tài xế của ông, do không quen lộ trình đã rẽ nhầm đường và gặp ngay đúng Gavrilo Princip, một trong những kẻ tham gia vụ mưu sát hụt trước đó, đang ngồi ở quán cà phê bên đường. Ngay lập tức, Princip rút súng bắn thẳng Thái tử Franz Ferdinand. Vụ ám sát đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất.

Hiệu ứng cánh bướm 3

Người ta cho rằng, chung quy là do tài xế sơ sểnh nhầm đường nên đã dẫn đến vụ ám sát Thái tử nước Áo. Hệ quả là đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbian, dẫn tới việc Đức tuyên chiến với Nga, lôi kéo Bỉ, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức.

Người thanh niên bị từ chối giấc mơ nghệ sĩ, trở thành nhà độc tài quân sự

Đây có lẽ là hiệu ứng cánh bướm được biết đến rộng rãi nhất trong danh sách này. Năm 1905, một chàng trai trẻ nộp đơn vào Học viện Mỹ thuật ở Vienna, không may cho anh ta và cả chúng ta nữa, anh ta đã bị từ chối hai lần.

Sinh viên nghệ thuật đầy tham vọng đó là Adolf Hitler. Sau khi bị từ chối, ông bị buộc phải sống trong khu ổ chuột của thành phố và chủ nghĩa chống Do Thái của ông bắt đầu phát triển. Ông gia nhập quân đội Đức thay vì thực hiện ước mơ làm nghệ sĩ, điều này đã dẫn đến những trang lịch sử như bạn đã biết.

Người lính tốt bụng tha mạng cho kẻ địch, dẫn đến Thế chiến Thứ hai

Ngày 28/9/1918, trong một trận giao tranh giữa quân Anh và Đức tại làng Marcoing (Pháp), binh nhì Henry Tandey đã nhìn thấy một người lính Đức đang chạy trốn. Henry Tandey định nhắm bắn thì nhận ra người lính này bị thương, anh đã hạ súng và để người lính này chạy thoát.

Quyết định này đã gây ra cho thế giới một bi kịch mà không ai có thể tưởng tượng được. Người đàn ông đã thoát chết đó là Adolf Hitler.

Hiệu ứng cánh bướm 4

Khi Thế chiến Thứ hai xảy ra, sự việc này đã trở thành gánh nặng tâm lý đối với binh nhì Henry Tandey. Khi được hỏi về hành động tha chết cho Hitler, Henry Tandey tỏ ra ân hận: “Tôi không biết người lính đó sẽ trở thành người như thế nào. Khi tôi chứng kiến những người dân vô tội bị giết hại vì sự tàn bạo của Hitler, tôi đã cầu xin Chúa tha tội cho tôi vì đã để hắn sống”.

Từ quyết định tha mạng sống cho một người trên chiến trường Thế chiến Thứ nhất, đã dẫn tới hệ lụy 60 triệu người phải chết trong Thế chiến Thứ hai.

Một cuốn sách hư cấu làm mất 900 triệu đô la của nền kinh thế Mỹ

Năm 1907, một nhà môi giới chứng khoán tên là Thomas Lawson đã viết một cuốn sách có tên Thứ Sáu ngày 13, trong đó sử dụng sự mê tín của ngày này nhằm gây ra sự hoảng loạn giữa các nhà môi giới chứng khoán ở Phố Wall. Cuốn sách có tác động đến nỗi lúc bấy giờ, nền kinh tế Mỹ mất khoảng 900 triệu đô la vào ngày này bởi thay vì đi làm, đi nghỉ mát, ra ngoài mua sắm, mọi người lại ở nhà.

Như vây, từ một nghiên cứu về thời tiết, “hiệu ứng cánh bướm” đã làm thay đổi cách nhìn nhận của con người trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh doanh đến đời sống. Thậm chí, nó còn được diễn giải dưới góc độ nhân quả.

Hiệu ứng cánh bướm xét về mặt lý thuyết rất tương đồng với luật nhân quả trong Phật giáo

Chỉ cần bạn nhìn theo góc độ quan hệ nhân quả, bạn sẽ hiểu như thế nào là Hiệu ứng cánh bướm.

Hiệu ứng cánh bướm còn được ví von như: “Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng” hay “sai một li đi một dặm”. Do đó việc xấu nhỏ đừng nghĩ không sao mà “tặc lưỡi” làm liều, việc tốt nhỏ đừng nghĩ không đáng mà bỏ qua.

Mọi nhân tố bé nhỏ (từ ý nghĩ, lời nói hay hành động) đều có thể tác động làm thay đổi thế giới. Khi đã ý thức được vạn vật trong vũ trụ này đều có mối liên hệ chung và ý nghĩa của luật nhân quả rồi thì chúng ta nên chỉ “gieo” những hạt giống thiện lành để được “gặt” những “quả ngọt” như cuộc sống an lạc có khi ngay trong hiện tại và tương lai không xa.

Trên đây là những thông tin liên quan về hiệu ứng cánh bướm. Có thể thấy, hiệu ứng này không chỉ là một hiện tượng về thời tiết mà còn có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, kinh doanh đến góc độ nhân quả.

Xem thêm:

Trả lời